TỔNG HỢP CÁC CÂU HỎI VỀ "MUỖI VẰN"

11/09/20201675

Muỗi cái có thể truyền những bệnh chết người như sốt rét, sốt xuất huyết, virus Tây sông Nile và giun chỉ, chúng tìm đến con người bằng cách phát hiện CO2 do con người thở ra, chúng có khả năng theo dõi chúng ta thậm chí từ một khoảng cách rất xa. Khi nhận ra chúng ta, chúng thường tiến đến và bám đậu ở những vùng da lộ ra như mắt cá chân, bàn chân...

Tại sao muỗi có thể theo dõi và bay về phía da? Làm thế nào để muỗi phát hiện da của chúng ta? Các mùi hôi từ da mà muỗi phát hiện là gì? Và chúng ta có thể ngăn chặn các mùi da và làm giảm sức hấp dẫn đối với muỗi như thế nào?

Nghiên cứu gần đây bởi các nhà khoa học tại Đại học California thực hiện, giúp giải quyết những câu hỏi này. Nghiên cứu cho cho thấy có rất nhiều thụ thể trên pan của bộ hàm trên ở muỗi phát hiện CO2, đây cũng là những bộ phận phát hiện được mùi da, do đó giải thích tại sao muỗi bị thu hút bởi mùi da, vớ hôi, quần áo, giường, ngay cả trong trường hợp không có CO2.

“Đó là một bất ngờ thực sự khi chúng tôi thấy rằng tế bào thần kinh thụ thể CO2 của muỗi là cpA. Thụ thể cpA cực kỳ nhạy đối với một số mùi ở da và trong thực tế cpA phát hiện các phân tử mùi nhạy cảm hơn so với CO2”. Anandasankar Ray, người nghiên cứu chính của dự án cho biết. “Trong nhiều năm, nghiên cứu của chúng tôi chủ yếu tập trung vào các thụ thể nhận biết mùi da của con người ở râu (antennae) của muỗi, và bỏ qua các thụ thể trên pan của bộ hàm trên ở muỗi (Maxillary palp).”

Hình 1. Đầu muỗi A. aegypti có 3 cơ quan khứu giác: râu (antennae), pan bộ hàm trên (maxillary palps), và vòi (proboscis)

Hình 2. Thụ thể ở râu (antennae) và pan phụ hàm trên của muỗi (Maxillary palp)

Cho đến nay, các tế bào thần kinh khứu giác muỗi dùng để phát hiện mùi da vẫn còn là một bí ẩn. Phát hiện mới, đó là tế bào thần kinh khứu giác nhạy cảm CO2 được xem như là một máy dò phát hiện da người, phát hiện này rất quan trọng không chỉ giải thích vì sao muỗi bị thu hút bởi người và dụng cụ cá nhân của người mà còn nhận biết đây chính là thụ thể kép giúp nhận biết CO2 và mùi da, đây là chìa khóa chính trong việc ngăn chặn muỗi tìm đến người và giúp ít cho việc kiểm soát bệnh truyền sang người.

Để kiểm tra xem sự hoạt hóa cpA bởi mùi của con người để nhận biết mùi hấp dẫn, các nhà nghiên cứu đã nghĩ ra một cách là sử dụng các chất hóa học, chất này làm tắt hoạt động của cpA của muỗi Aedes aegypti, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue. Sau đó họ kiểm tra hành vi của muỗi với mùi hôi chân của con người, bằng cách đặt đĩa nặng mùi hôi chân trong một đường hầm gió thử nghiệm và nhận thấy sự hấp dẫn của muỗi đối với mùi giảm đáng kể.

Tiếp theo, sử dụng một phương pháp hóa học mà họ đã nghĩ ra, các nhà nghiên cứu kiểm tra gần nửa triệu hợp chất và xác định hàng ngàn các phối tử dự đoán. Sau đó họ đã chọn được trong danh sách này ra 138 hợp chất dựa trên đặc tính mong muốn như mùi, an toàn, chi phí và dễ tìm trong tự nhiên. Một số hợp chất khác ức chế hoặc kích hoạt tế bào thần kinh cpA thì có trong 85 phần trăm trong các sản phẩm đã được cho phép lưu hành như hương vị, hương thơm hoặc các mỹ phẩm. Đặc biệt hơn các hợp chất này có trong bạc hà, cây mâm xôi, sô cô la,… do đó, cần phải tăng cường sử dụng chúng trong trong công tác phòng chống muỗi.

Các nhà nghiên cứu sau đó tập trung vào hai hợp chất: pyruvate ethyl, một mùi thơm trái cây ức chế cpA đã được cho phép sử dụng như là một chất hương vị trong thực phẩm; và cyclopentanone, một mùi bạc hà hoạt hóa cpA đã được cho phép sử dụng như là một hương vị và mùi thơm. Bằng cách ức chế các tế bào thần kinh cpA, pyruvate ethyl đã được tìm thấy trong các thí nghiệm của họ để làm giảm đáng kể sự hấp dẫn của muỗi đối với một cánh tay người. Bằng cách kích hoạt các tế bào thần kinh cpA, cyclopentanone được sử dụng để thu hút, giống như CO2, thu hút muỗi đến một cái bẫy.

“Các hợp chất này có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh do muỗi truyền và mở ra những khả năng rất thực tế về phát triển cách sử dụng đơn giản, mùi tự nhiên, giá cả phải chăng và dễ chịu để ngăn chặn muỗi từ việc tìm kiếm con người”, Ray nói: “Mùi ngăn chặn thụ thể kép này (thụ thể nhận biết CO2 và mùi da) có thể được sử dụng như là một cách để che dấu chúng ta khỏi muỗi. Mặt khác, mùi hôi có thể hoạt động như chất hấp dẫn có thể được sử dụng để thu hút muỗi ra xa chúng ta và dẫn vụ chúng vào bẫy. Các chiến lược che dấu và lôi kéo với kinh phí thấp này có thể được sử dụng bổ sung cho nhau, cung cấp một giải pháp lý tưởng và nhiều cứu trợ cần thiết cho người dân ở châu Phi, châu Á và Nam Mỹ, thực sự bất cứ nơi nào có bệnh do muỗi truyền. Thực tế, các hợp chất này có thể phát triển thành sản phẩm mà không chỉ bảo vệ cá nhân mà còn cả cộng đồng, và không cần phải sử dụng trực tiếp trên da.”

Hiện nay, CO2 được sử dụng là chất thu hút chính trong bẫy muỗi. Việc tạo ra CO2 đòi hỏi phải đốt cháy nhiên liệu, làm bay hơi nước đá khô, giải phóng khí nén hoặc quá trình lên men đường, tất cả các biện pháp đó thì đắt tiền, cồng kềnh, và không thực tế để sử dụng ở nước đang phát triển. Các hợp chất được xác định trong nghiên cứu này, như cyclopentanone, đảm bảo an toàn, giá cả phải chăng và thuận tiện cho việc giám sát và kiểm soát.

Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm hiệu quả của ethyl pyruvate trong phòng thí nghiệm trên muỗi Aedes aegypti sử dụng một tay trong lồng thiết lập (tay được đeo găng và không tiếp xúc với muỗi đốt hoặc các hóa chất thử nghiệm). Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm hiệu quả của cyclopentanone như là mồi đối với muỗi C. quinquefasciatus, muỗi truyền virus Tây sông Nile và bệnh giun chỉ, sử dụng bẫy trong một nhà kính tại Đại học California.

Hình 3. Mô tả thí nghiệm thu hút và xua muỗi

1. Vai trò của muỗi Aedes aegypti đối với bệnh sốt xuất huyết như thế nào?

Aedes aegypti (muỗi vằn) là loại côn trùng trung gian chủ yếu làm lây truyền vi rút dengue từ người bệnh sang người lành,. Thực tế muỗi truyền bệnh SXH nhìn bằng mắt thường cũng khá giống các loại muỗi khác và chỉ phân biệt dễ dàng nếu nhìn qua kính hiển vi. Thông thường, nếu chúng ta tìm thấy muỗi trong nhà và đốt vào ban ngày thì rất có thể là muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn).

2. Muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) có những đặc điểm gì?

Muỗi Aedes aegypti còn được gọi là muỗi vằn do chúng có vằn đen trắng quanh các chi. Khác với một số loài muỗi khác, muỗi vằn thường sống trong nhà, gần người, ví dụ như ở gần tủ quần áo, chăn màn. Nó thích đẻ trứng ở những dụng cụ chứa nước sạch và những nơi nước đọng ở lốp xe, chậu cây cảnh, dụng cụ phế thải quanh nhà có nước đọng. Chúng thường đốt người vào sáng sớm và chiều tối. Chỉ muỗi cái mới đốt người vì chúng cần protein để đẻ trứng.

3. Vòng đời của muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) như thế nào?

Trong môi trường phát triển thuận lợi, chỉ sau khoảng 10 - 15 ngày, từ trứng muỗi, sẽ phát triển thành bọ gậy, quăng, muỗi non và trở thành muỗi trưởng thành.

- Muỗi cái sau khi nở từ trứng chỉ từ khoảng 5 – 8 ngày sau đã trở thành muỗi trưởng thành và có thể hút máu (chích) người và tìm nơi đẻ trứng trong các dụng cụ chứa nước

- Sau từ 1 – 3 ngày, trứng sẽ nở thành bọ gậy, và từ bọ gậy để trở thành quăng thì cần khoảng 5 – 8 ngày

- Khoảng 2 – 3 ngày sau, con quăng sẽ thành muỗi non, và tiếp tục chu trình phát triển thành muỗi trưởng thành, đẻ trứng, trứng phát triển thành bọ gậy, quăng, muỗi.

4. Vai trò của muỗi trong môi trường tự nhiên?

Hiện có rất nhiều loài muỗi khác nhau sống trong môi trường tự nhiên. Một số loài muỗi không sống gần với con người giống như muỗi Aedes aegypti và chúng thích sống ở môi trường ẩm ướt tự nhiên. Sống ở môi trường tự nhiên, khi chúng phát triển ở giai đoạn loăng quăng thì chúng có thể là nguồn thức ăn cho các động vật sống trong nước như cá. Muỗi trưởng thành có thể bị tiêu diệt bởi chim, thạch sùng hoặc nhện, dơi,…

Với muỗi đã thích nghi với môi trường sống ở khu vực dân cư thành phố thì chúng sẽ ít những tiếp xúc với môi trường sinh thái tự nhiên. 

5. Muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) thường sống được trong vòng bao nhiêu lâu và chúng có thể bay xa được bao nhiêu?

Vòng đời của muỗi Aedes aegypti thường kéo dài từ khoảng 2 tuần đến 4 tuần phụ thuộc vào môi trường và điều kiện tự nhiên. Muỗi Aedes aegypti thường không bay đi quá xa, và thường không bay quá 200 mét trong suốt vòng đời của nó.

6. Muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) đóng vai trò vật trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết như thế nào?

Bản thân muỗi Aedes aegypti không mang vi rút dengue một cách tự nhiên. Chúng chỉ nhiễm vi rút dengue khi chúng đốt người bị bệnh SXH.

Khi đốt người bị bệnh, vi rút dengue sẽ nhiễm vào tế bào muỗi. Trong thời gian ủ bệnh từ 8-10 ngày, vi rút dengue nhân lên trong cơ thể muỗi và khi đã đạt được đủ số lượng vi rút, chúng có khả năng truyền sang rất nhiều người khác trong cộng đồng thông qua việc đốt (chích) họ. Khi đó, vi rút dengue sẽ truyền từ cơ thể muỗi qua tuyến nước bọt của muỗi vào máu của người bị đốt.

7. Biện pháp nào là biện pháp phòng chống muỗi hiệu quả?

Hiện tại không có bất kỳ một biện pháp nào giúp loại bỏ muỗi ra khỏi môi trường sống một cách triệt để. Các biện pháp hiện đang sử dụng phổ biến như dùng cửa lưới chống muỗi, dùng vợt điện, thả cá, súc rửa dụng cụ chưa nước, bôi kem chỉ hạn chế phần nào số lượng muỗi hoặc khả năng bị muỗi đốt. Ngay cả việc dùng bình xịt hay hoá chất cũng chỉ đem lại hiệu quả tức thì tại thời điểm ứng dụng, sau đó, nếu gặp thời tiết thuận lợi, muỗi lại sinh sôi nảy nở.

Tuy nhiên, việc duy trì thói quen sử dụng các biện pháp xua muỗi, diệt muỗi vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống bệnh SXH và các bệnh truyền nhiễm khác.

TỔNG HỢP CÁC CÂU HỎI VỀ "MUỖI VẰN" Cộng đồng Google Việt Nam
5/5 5 Người đánh giá bnh chọn

5 Người đánh giá


Copyright © 2015 Công ty TNHH CMA Hoà Phát. All Rights Reserved.
Thanh toán thẻ