NGUY CƠ MẮC SỐT XUẤT HUYẾT ĐỐI VỚI TRẺ EM NẶNG HƠN NGƯỜI LỚN

08/09/20201248

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, nhận định, sức đề kháng của trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới một tuổi còn non nớt, chưa hoàn thiện nên trẻ có nguy cơ mắc sốt xuất huyết nặng và dễ nguy hiểm hơn người lớn.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra. Bệnh không lây trực tiếp từ người sang người mà được truyền qua muỗi đốt. Muỗi đốt hút máu người mắc bệnh hoặc người nhiễm virus không triệu chứng, đốt sang người khác và truyền bệnh. Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết được gọi là véc tơ truyền bệnh. Ăn uống chung, dùng chung đồ dùng không làm lây truyền bệnh.

Với đặc trưng khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều ở nước ta, đặc biệt là vào khoảng thời gian tháng 5 đến tháng 11 là điều kiện thuận lợi để dịch sốt xuất huyết bùng phát và có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, mỗi năm trên toàn thế giới có từ 50 - 100 triệu ca sốt xuất huyết, trong đó có hơn 22.000 người chết và một nửa trong số đó là trẻ em.

Sở dĩ, trẻ em là dễ bị bệnh sốt xuất huyết vì đây là đối tượng hay bị muỗi tấn công. Bởi vì thân nhiệt và nhịp thở của trẻ thường cao hơn người lớn, tình trạng ra mồ hôi ở trẻ cũng nhiều hơn nên dễ bị muỗi phát hiện và đốt. Bên cạnh đó, do bản tính hiếu động nên trẻ thường thích chơi những chỗ tối, nơi tập trung nhiều muỗi.


PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội

1. Sốt xuất huyết ở trẻ dưới 1 tuổi thường nặng hơn lứa tuổi khác

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, sốt xuất huyết có đặc trưng là sốt cao đột ngột, kéo dài từ 2-7 ngày, đi cùng với đó là những triệu chứng điển hình như: chán ăn, buồn nôn, đau cơ, đau khớp… và biểu hiện xuất huyết, thoát huyết tương dẫn tới sốc do cô đặc máu, tụt huyết áp bởi giảm thể tích tuần hoàn và rối loạn đông máu thứ phát sau sốc kéo dài. Do đó, nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời rất có thể dẫn đến hôn mê sâu, thậm chí là tử vong.

Trẻ dưới 1 tuổi khi mắc sốt xuất huyết thường diễn tiến nhanh và nặng hơn lứa tuổi khác. Nguyên nhân do chẩn đoán sốt xuất huyết ở trẻ dưới 1 tuổi rất khó vì trẻ còn quá nhỏ để biểu đạt hay diễn tả chính xác những triệu chứng trong cơ thể. Hơn nữa, biểu hiện ban đầu của bệnh cũng có nhiều điểm tương đồng với những bệnh ốm sốt thông thường nên việc phát hiện ra bệnh đa phần đều bước sang giai đoạn nguy hiểm.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, sốt xuất huyết ở trẻ em diễn biến qua 3 giai đoạn bao gồm: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi. Ở giai đoạn sốt, phụ huynh hoặc người chăm sóc trẻ cần theo dõi để xác định chính xác trẻ có bị sốt xuất huyết hay không dựa vào các dấu hiệu sau:

Ngày thứ nhất: Trẻ sốt cao liên tục từ 38-40 độ C, triệu chứng này khiến phụ huynh dễ nhầm lẫn với căn bệnh cảm cúm hoặc nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Ngày thứ hai: Trẻ vẫn tiếp tục sốt cao nhưng vùng da cổ, bụng, chân, tay thường có dấu hiệu của các vết xuất huyết. Ở nhiều trẻ, dấu hiệu này xuất hiện khá sớm, chính vì vậy phụ huynh có thể phát hiện bệnh một cách nhanh chóng dựa vào đặc điểm này.

Trẻ dưới 1 tuổi khi mắc sốt xuất huyết thường diễn tiến nhanh và nặng hơn lứa tuổi khác (Ảnh Internet)

Ngày thứ ba: Tình trạng sốt cao vẫn tiếp tục kèm theo tình trạng xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Khi thấy những dấu hiệu trên, cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời,

Giai đoạn nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết diễn tiến từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6. Đây là thời điểm cực kỳ nguy hiểm bởi lúc này hệ miễn dịch ở trẻ đã bị suy giảm do sự tác động của virus, số lượng bạch cầu, tiểu cầu cũng đã bị giảm đi đáng kể. Giai đoạn này cũng là giai đoạn nhiều biến chứng như xuất huyết nội tạng, suy gan, suy thận, viêm não… có thể xảy ra ở trẻ.

Sau 2-3 ngày qua khỏi giai đoạn nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết, trẻ sẽ có những dấu hiệu như hạ sốt, bắt đầu đòi ăn trở lại, lượng bạch cầu và tiểu cầu ở trẻ bắt đầu tăng lên.

Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, Khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai năm 2019 xác nhận một số trường hợp trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết do lây truyền từ mẹ. Điều trị những trường hợp sốt xuất huyết nặng ở trẻ dưới 1 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh không đơn giản như các bệnh nhân lớn tuổi hơn. Vì trẻ còn quá nhỏ nên rất khó để thiết lập đường truyền tĩnh mạch (khó lấy vein), khó dự đoán tình trạng sốc trong diễn biến bệnh. Do đó, trẻ trong độ tuổi này khi mắc sốt xuất huyết cần được theo dõi chặt chẽ.

2. Sốt xuất huyết nguy hiểm hơn ở trẻ em béo phì

Hiện nay, ở các thành phố lớn tỉ lệ thừa cân béo phì ở trẻ trong độ tuổi tiền học đường (5 - 6 tuổi) tăng lên rất nhanh. Theo một số liệu được Viện Dinh dưỡng công bố, năm 2019 tỷ lệ béo phì ở trẻ em tại nội thành thành phố Hồ Chí Minh đã vượt 50%, ở Hà Nội vượt 41%.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng đánh giá: “Béo phì được coi là bệnh nền, nếu người béo phì mắc thêm một bệnh khác thì rất khó điều trị. Sốt xuất huyết không nằm ngoài quy luật đó”.

Trẻ béo phì thường bị rối loạn về nhiều mặt như rối loạn chuyển hóa mỡ, đạm, đường, điện giải, rối loạn nhịp thở, rối loạn miễn dịch… Do đó, nếu trẻ béo phì bị bệnh sốt xuất huyết thì việc điều trị sốt xuất huyết sẽ phức tạp hơn. Tỉ lệ sốc do sốt xuất huyết ở trẻ có cân nặng bình thường là 4,6% thì ở trẻ béo phì lên đến gần 15%.

Tình trạng sốt xuất huyết xảy ra ở trẻ em béo phì có tỉ lệ cao hơn - Ảnh Internet

Ở trẻ sốt xuất huyết thừa cân, béo phì, các bác sĩ cũng sẽ gặp không ít khó khăn trong vấn đề theo dõi, bù dịch so với trẻ có cân nặng bình thường.

3. Cách phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ em

Nếu sống hoặc đi du lịch đến khu vực đang có dịch sốt xuất huyết, phụ huynh cần chủ động bảo vệ trẻ em bằng các cách sau:

- Đối với trẻ dưới một tuổi, khi ra ngoài sử dụng lưới chống muỗi che nôi, xe đẩy và ghế đẩy cho trẻ.

- Không cho trẻ chơi gần những nơi ao tù nước đọng, những nơi nhiều cây cối, góc tối đặc biệt là vào sáng sớm hoặc khi trời tối.

- Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, nhưng nên dùng loại áo quần dài. Có thể sử dụng tinh dầu có tác dụng chống muỗi để trong phòng ngủ của trẻ.

- Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, thường xuyên diệt muỗi, loăng quăng để phòng chống muỗi đốt trẻ.

- Khi trong gia đình có người bị nhiễm bệnh, nên cách ly để tránh trường hợp muỗi đốt người bệnh và truyền virus gây bệnh cho các thành viên khác.

- Lưu ý sử dụng thuốc chống côn trùng đúng cách, luôn đọc và làm theo hướng dẫn trên nhãn sản phẩm. Chú ý các thành phần có thể gây hại cho trẻ, đặc biệt là trẻ dưới một tuổi.

- Lắp đặt cửa lưới chống muỗi để tránh nguy cơ xâm nhập của muỗi và côn trùng vào môi trường sống bên trong gia đình.

Nhìn chung, sốt xuất huyết là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, trẻ em mắc bệnh sốt xuất huyết đặc biệt là trẻ dưới một tuổi, trẻ thừa cân béo phì có thể diễn biến nhanh, nặng và dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, nếu trẻ có các dấu hiệu sốt bất thường, nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám và điều trị tại cơ sở y tế, bệnh viện. 

NGUY CƠ MẮC SỐT XUẤT HUYẾT ĐỐI VỚI TRẺ EM NẶNG HƠN NGƯỜI LỚN Cộng đồng Google Việt Nam
5/5 3 Người đánh giá bnh chọn

3 Người đánh giá


Copyright © 2015 Công ty TNHH CMA Hoà Phát. All Rights Reserved.
Thanh toán thẻ